Về "Rừng Na Uy"
Tôi đọc Rừng Na Uy với một tâm thế thong thả. Haruki Murakami’s reputation precedes the book. Thường thì tôi sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào các tác giả với tiếng tăm như thế này, giống như tôi đã làm với J.D. Salinger hay Khaled Hosseini. Đó là một cảm giác đặc biệt, khi bạn đọc một tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh thiếu niên trưởng thành với phong cách siêu thực. Cảm giác tò mò. Có lẽ còn vì Haruki Murakami với tôi còn có một mối liên hệ đặc biệt khác, thứ làm cho tôi cảm thấy tương đối thân thuộc dù chưa lần nào nghiêm chỉnh đọc một tác phẩm nào của y.
Tôi vẫn còn giữ trong ký ức một bản vẽ sống động của một cô gái say sưa đọc Biên niên ký Chim Vặn Dây Cót trong quán cà phê năm đó, mái tóc xoả rũ nhẹ nhàng, bồng bềnh như những áng mây ngoài trời, đôi mắt dán chặt vào những trang sách. Kể từ ngày đó, tôi tị với Haruki Murakami khả năng lôi cuốn nàng một cách phục tùng mà không cần mệnh lệnh, cũng chẳng cần thúc ép. Nàng là một trong những lý do chính mà tôi sở hữu một bộ sưu tập khá đồ sộ của y.
Mở đầu của Rừng Na Uy là một trường đoạn nhỏ của tâm trí Toru Watanabe. Có thể được xem là một hồi ký của anh, nhưng tôi thích tua lại nó như một trường đoạn trong cuốn băng nhuốm màu thời gian của Toru. Cái tiếng rè rè mắc tóc của bộ phim cũ nhàu, trong đó lẫn tiếng xào xạc nhịp nhàng của bốn bước chân, và rõ nét nhất, kinh hãi nhất là tiếng ong ù tai trong cái giếng đồng nhem nhuốc, nằm chơ vơ giữa khu rừng rộng lớn; tôi nghe rõ mồn một những thứ ấy.
Đối với Haruki Murakami, khoảnh khắc khi ta tự treo mình lên cây, không phải là khoảnh khắc kết thúc sự sống. Đó chỉ là giây phút thoi thóp cuối cùng của những linh hồn đơn đôi, không may lạc nhịp với những linh hồn khác, và chờ chết ở đâu đó sâu hoẵm trong lòng cái giếng. Nghĩa là cái chết đã tóm được họ rồi. Đôi khi người ta rơi xuống chiếc giếng, đen đủi thay, không chết ngay tắp lự, mà lại dập nát ngũ tạng, hay gãy một hai chi nào đấy mà khiến cho không thể tự leo lên được. Đôi khi người ta ngồi đó một năm, hai năm, hay mười năm, “kêu đến rách phổi nhưng không ai nghe thấy.” Cho đến khi đầu hàng và cái chết đến đưa họ đi, người ta vẫn không hiểu vì sao tiếng kêu cứu của mình không được đáp lại. Có lẽ cái hố đen trong tâm trí người ta lớn quá, đến độ những người xung quanh có muốn giúp đỡ cũng không được, hoặc có thể chẳng nghe được, mà phải khoanh tay đứng nhìn họ lụi tàn trong cái hố sâu ngòm đậm đặc ấy. Tôi thích nhất trường đoạn này. Nó đưa tôi về hai năm trước đây, trong chính câu chuyện của tôi. Naoko trong truyện hiện lên hệt như cô gái mà hai năm trước tôi từng thương nhớ. Những câu nói, điệu bộ, cử chỉ lém lỉnh của Naoko cũng là những gì tôi khắc tạc trong tâm trí. Quan điểm về sự hy sinh trong tình yêu của Naoko và nàng đó giống nhau đến độ có lúc tôi nhầm lẫn, một cách tai hại, hình ảnh của hai người trong tâm trí.
Khi đọc về cái chết của Naoko, tôi sững sờ. Cái chết của hầu hết các nhân vật trong mạch truyện đều không được dự báo trước, trừ ông cụ Kobayashi. Có lẽ vì đã quen với điều này, những sự ra đi của Hazuki hay chị của Naoko đều được tôi chấp nhận một cách nhẹ nhàng. Nhưng Naoko thì khác, và tôi bất ngờ là tinh thần của tôi lại bị ảnh hưởng nhanh tới vậy. Lần đầu tiên tôi xúc động đến run người vì một cái chết của một người trong trí tưởng tượng của người khác, phải với tay tắt đi ngọn đèn bàn và nhắm mắt lại nghĩ ngợi. Ánh sáng lui dần, nhường chỗ cho bóng tối trườn quanh căn phòng, chọc mù đôi mắt của tôi trong tĩnh lặng. Tôi nghĩ mình ở một chừng mực nào đó thấu hiểu được cảm giác đơn đôi của Naoko. Một phần trong tôi mong mỏi Naoko sẽ sống sót, dù sự ra đi của của Kizuki đã đâm rách trái tim của cô như thế nào và nó đã rỉ máu suốt ba năm trời đằng đẵng ra sao, vì sự chiến thắng của Naoko là tượng trưng cho cái tích cực; là tia ló nơi cuối đường hầm cho một thế hệ lớn lên với sự bất cân bằng về cảm xúc và chơi vơi với con đường trưởng thành. Họ không chắc mình muốn gì, làm gì, và trở thành ai. Nhưng cuối cùng thì cũng có một người chiến thắng nghịch cảnh. Một kết tục tươi đẹp, nơi mà những con người, theo cái cách deus ex machina, tìm lại được bản ngã của mình và chiến thắng cái chết trong tâm hồn đang dần mục rữa của họ. Rốt cuộc thì Haruki Murakami đã chọn hiện thực của y, một hiện thực trần trụi và tàn nhẫn, rằng cứ một hai năm thì lại có một cái tên nào đó biệt tăm biệt tích, những người không bao giờ thoát ra khỏi cái giếng đồng của mình, và Naoko là một trong số đó.
Tôi không muốn nói nhiều về cách xây dựng nhân vật, bởi tôi sẽ sa đà vào ngợi khen cái cách ông luân chuyển từng quân cờ của mình khéo léo và tài tình thế nào. Không một bước đi nào là thừa, và không một quân cờ nào hi sinh mà không để lại một thứ gì đó. Như Kizuki, anh để lại một Naoko tuyệt vọng không thể nào kết nối được với xã hội, luẩn quẩn trong mối tơ vương với anh và sự rung đọng với Toru, tuyệt vọng ghì chặt Reiko và Toru—những chiếc phao cứu sinh của cô giữa biển khơi rộng lớn; một Toru Watanabe, mười bảy tuổi, đau đớn nhận ra rằng Chết không phải là đối nghịch với sự sống, rằng nó là thực và nó đã, đang, và sẽ ở cạnh chúng ta cho đến khi nó tóm được linh hồn của ta vào khoảnh khắc mà nó muốn. Cái chết của ông Kobayashi cũng vậy, là một biểu trưng cho những cái chết của người già. Nó nhuốm màu bi kịch của những con người nên được, ở một góc độ độ nào đó, chết. Tôi muốn để dành chất liệu này dành cho một bài viết khác. Sự cộng hưởng sâu sắc với cách nhìn nhận của Midori với việc chăm sóng ông cụ khiến tôi muốn dành thời gian viết sâu hơn về vấn đề này.
Tựu chung, Rừng Na Uy thoả mãn sự tò mò của tôi về cái thế giới siêu thực mà người ta tôn vinh Haruki Murakami lên hàng văn hào của thế kỷ 21. Văn hoá trong sách là một loại văn hoá tự do, phóng khoáng của phương Tây, nhưng ẩn náu đâu đó sự tiếc thương và hoài niệm, thứ văn hoá đặc trưng của văn chương, hoạt hoạ Nhật Bản. Một chút luyến tiếc, đau đáu về cái không đạt được, cái không toàn vẹn, hoà lẫn trong câu chuyện về những mảnh đời liên kết với nhau bởi sự bất hạnh và không may mắn, ấy vậy mà lại gây nghiện tới lạ thường.