Mao Trạch Đông hỏi về đối xứng
[disclamer]
Bài viết sau đây được trích từ T. D. Lee, Symmetries, Asymmetries, and the World of Particles (1988). Bài viết không có chủ ý tán thành hay phản đối Mao Trạch Đông hay cuộc Đại Cách mạng Văn hoá vô sản, sau đây được gọi tắt là Cách mạng Văn hoá.
“Tại sao đối xứng lại quan trọng?”, chủ tịch Mao đặt câu hỏi.
Đó là vào ngày 30 tháng 5, năm 1974, khi xã hội Trung Hoa vẫn còn rối ren sau cuộc Cách mạng Văn hoá và Tứ nhân bang1 vẫn còn đang ở thời kỳ quyền lực. Tôi đã rất buồn khi nhận ra ở Trung Quốc lúc bấy giờ, vùng đất có nền văn minh lâu đời bậc nhất, giáo dục đã lâm vào hoàn cảnh trì trệ. Tôi rất mong một cơ hội nào đó có thể cải thiện được tình hình, dù cơ hội đó rất nhỏ nhoi.
Khoảng 6 giờ sáng, bất ngờ điện thoại phòng của tôi tại khách sạn Bắc Kinh reo lên. Tôi được báo rằng Chủ tịch Mao muốn gặp tôi trong vòng 1 giờ nữa tại nhà riêng của ông tại Trung Nam Hải, bên trong khuôn viên của Tử Cấm thành (Cố cung). Càng ngạc nhiên hơn là khi gặp tôi, điều đầu tiên mà ông muốn thảo luận là về đối xứng trong Vật lý.
Theo từ điển Webster, “symmetry” (“đối xứng”) có nghĩa là “balanced proportions” (“một tỉ lệ cân bằng”) hoặc “the beauty of form arising from such balanced proportions” (“sự đẹp đẽ của cấu trúc hình thành từ một tỉ lệ cân bằng”). Trong tiếng Trung, đối xứng là 对称, mang hàm ý tương tự. Vì thế, về cơ bản thì đối xứng là một khái niệm rõ ràng, bền vững, và có tính “tĩnh”. Quan điểm của Chủ tịch Mao về toàn bộ sự tiến hoá của xã hội loài người, rằng sự tiến hoá đó dựa trên nền tảng là sự thay đổi, vận động. Sự vận động (“động”), chứ không phải tĩnh tại (“tĩnh”), mới là yếu tố quan trọng. Mao tin rằng điều này cũng đúng trong giới tự nhiên, vì vậy mà ông băn khoăn rằng tại sao đối xứng lại quan trọng như vậy trong giới Vật lý.
Suốt cuộc trò chuyện, tôi là khách mời duy nhất của chủ tịch. Một chiếc bàn nhỏ với hai chiếc ghế, đặt trên đó là một bảng kẹp giấy, bút chì và ấm trà xanh quen thuộc. Tôi đặt chiếc bút lên bảng rồi khẽ nghiêng nó lần lượt về phía Mao và về phía tôi. Chiếc bút lăn tròn từ bên này sang bên kia. Tôi kết luận rằng trong toàn bộ quá trình, không có một khoảnh khắc nào chiếc bút ở trong trạng thái tĩnh, dẫu vậy, chúng ta vẫn quan sát được tính đối xứng của nó. Khái niệm “đối xứng” không hề có tính “tĩnh”; tự thân nó có ý nghĩa rộng hơn rất nhiều so với nghĩa thông thường mà trực giác chúng ta cảm nhận và xuất hiện trong mọi lĩnh vực tự nhiên, từ quá trình hình thành của vũ trụ rộng lớn cho tới mọi phản ứng hạt nhân nhỏ nhất.
Mao đánh giá cao luận điểm của tôi, rồi sau đó cả hai cùng bàn luận sâu hơn về ý nghĩa của đối xứng, cũng như các chủ đề Vật lý khác. Mao bày tỏ sự tiếc nuối của mình khi không dành thời gian để nghiên cứu khoa học, nhưng rất tâm đắc bộ sách do J. Arthur Thomson viết mà ông đã đọc khi còn trẻ.
Chủ đề dần chuyển từ tự nhiên sang đời sống xã hội. Mao đồng ý đề xuất của tôi rằng công cuộc giáo dục cho các tài năng trẻ nên được duy trì và củng cố. Đề xuất này, cùng với sự giúp đỡ của Chu Ân Lai, dẫn tới sự hình thành của các lớp “Năng khiếu trẻ”, một chương trình giáo dục đặc biệt xuyên suốt thời niên thiếu dành cho các học sinh tài năng. Lần đầu tiên chương trình được áp dụng là ở Đại học Khoa học và Công nghệ An Huy, rồi sau đó được lan rộng ra các trường Đại học khác tại Trung Quốc nhờ vào sự thành công của nó.
Ngày hôm sau, tại sân bay, tôi nhận được một món quà tạm biệt từ Chủ tịch Mao: bốn quyển The Outline of Science bởi J. Arthur Thomson nguyên bản năm 1922.
Cuộc gặp của tôi với Chủ tịch Mao là một khoảng lặng nhỏ trong suốt khoảng thời gian hỗn loạn của xã hội đương thời bởi cuộc Cách mạng Văn hoá. Mặc dù ngắn ngủi, nhưng trong một phạm vi nào đó, có lẽ đã soi rõ mối liên hệ giữa sự thôi thúc khám phá tự nhiên và khát vọng của con người ấy về một xã hội cấp tiến.
Tham chiếu
-
Tứ nhân bang, nguyên tác là “Gang of Four”, giản thể 四人帮. “Bè lũ bốn tên” theo các phương tiện truyền thông của Việt Nam, là cụm từ để chỉ một nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị nhà cầm quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho là cấu kết với nhau lộng quyền và để sát hại những Đảng viên không theo phe cánh từ Đại hội X của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sau đó bị bắt và xét xử năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông mất. “Bè lũ bốn tên” là những thành viên hoạt động tích cực nhất Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.
Nhóm Tứ Nhân Bang gồm: Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn (Tiếng Hoa: 江青、張春橋、姚文元 và 王洪文). Tránh nhầm lẫn với “tứ trụ”. ↩︎