Màu của mây
Sài Gòn, 06/06/2019
Ngày hôm đó là ngày Sài Gòn đón nhận cơn mưa đầu tiên sau một chuỗi ngày nóng nực dài như cả một thế kỉ. Tôi với nó đánh bạo leo lên mái để hóng gió. Bầu trời khuya hôm nay khác với những hôm trước, nom khoáng đạt, rộng lớn kỳ lạ. Mây không vần dữ dội mà co cụm lại thành những gợn tròn lạ mắt, nền trời bừng lên như một bức tranh được hắt sáng từ cái đèn pin khổng lồ của một ông hoạ sĩ cũng khổng lồ không kém. Màu trắng khiết của mây trộn với cái ánh vàng hiu hắt của đèn đường không khỏi làm cho người ta liên tưởng tới cái buồn man mác, chẳng hiểu vì sao tôi lại cẩm thấy vậy.
Thằng Niết ngồi phịch xuống, bắt chéo hai chân, có lẽ nó cũng đang buồn man mác. Nó đang tưởng tượng đến mặt của ông hoạ sĩ chăng? Có vẻ là không.
– “Anh ạ”.
Bỗng nó cất lời, phá tan buổi hoà nhạc của bọn cóc nhái thừa cơ tổ chức trái phép,
– “Anh biết Phú Nhuận hướng nào không?”
– “Đằng đấy”. Tôi chỉ về phía cuối đường chân trời, nơi kết thúc con đường cái trước nhà tôi.
Tôi biết ngờ ngợ lý do tại sao nó lại hỏi Phú Nhuận, mà không phải là Tân Bình, Gò Vấp, hay Quận Nhứt, Quận Ba. Nó hỏi Phú Nhuận bởi vì nó hay uống cà phê ở đó, còn tiệm cà phê khỉ gió nào thì tôi xin chịu.
Tôi biết Phú Nhuận từ hồi năm nhất đại học. Cái quận ấy lắm ngõ ngách, nhưng nhiều chỗ vui chơi bậc nhất chốn Sài Thành, tất nhiên là nhiều quán cà phê ngon. Thằng Niết cứ hai ba hôm lại lặn đi đâu mất tăm. Má nó hay lục lọi ví, bao giờ trong ấy cũng gém đầy những hoá đơn là hoá đơn của một quán cà phê ở tít đâu đó tận Phú Nhuận. Tôi cứ thắc mắc cà phê chỗ ấy ngon cỡ nào mà làm nó si mê tới vậy.
Nó như đọc được tâm tư của tôi,
– “Anh biết Phú Nhuận có gì đặc biệt không?”. Tôi trầm ngâm rồi lắc đầu.
– “Phú Nhuận có quán phở ngon lắm, ở gần đường Trường Sa, bên kia cầu Trần Khánh Dư.” Bố thằng điên, khi không lại lôi chuyện phở ra nói.
– “Còn có mấy hàng bánh tráng nướng thơm nức mũi trên đường Phạm Văn Hai, trời se se thế này là hợp lý lắm!”
Mắt nó sáng lên như con mèo hoang thấy mỡ cá khi nhắc đến bánh tráng nướng. Tôi không thích bánh tráng nướng lắm, nhưng người yêu cũ tôi thì thích. Có lần cổ ăn hết ba cái một lúc. Có vẻ thằng Niết nhận ra tôi không thích chủ đề ăn uống lắm, nó im bặt rồi ngồi quay lưng lại với tôi, nhìn về phía Phú Nhuận tiếp. Thấp thoáng đằng xa, phía sau những đám mây không rõ màu sắc kia, là những chuyến bay đêm nối tiếp nhau như những con ong thợ chăm chỉ. Màn đêm bắt đầu buông xuống, từng ô cửa sổ sáng đèn bỗng chợt tắt trong tĩnh lặng. Vài giờ trôi qua, như một hiệu ứng domino được xắp xếp tỉ mỉ, cái ánh đèn pin của ông hoạ sĩ khổng lồ dần nhạt đi màu vàng hiu hắt của nó. Chỉ còn phía xa kia, những quận trung tâm nhộn nhịp quán xá về đêm, bao gồm cả Phú Nhuận, là còn hừng sáng.
Thằng Niết vẫn đang ngồi co ro trong bóng tối, nó gập hai chân, cằm chống lên gối trong khi đôi mắt cứ đảo hết từ bên này sang bên khác. Sương bắt đầu dày và lạnh dần.
– “Ê, đi ngủ mày, khuya lắm rồi”. Nó không trả lời. Bỗng, bất thình lình nó đứng bật dậy, run bần bật. Hai nắm đấm siết chặt, môi nó bịm chặt, rung rung.
Nó hét lên mấy từ gì đấy, dội vào bầu trời cao vời vợi, dội cả vào khu dân cư yên yắng, to và lớn đến độ đủ để đánh thức đàn chó hàng xóm.
Rồi thì không con nào bảo con nào, tất thảy đều đồng thanh tru tréo lên, nghe nặng lòng da diết không thua kém gì mấy từ thằng Niết hét.
Tôi nhìn nó chằm chằm, nhưng không nói gì cả. Bốn con mắt cứ nhìn nhau mãi như thế, cho tới khi đàn chó trả về cho khu dân cư sự tĩnh lặng vốn dĩ, cho tới khi mọi ô cửa sổ chung quanh bọn tôi tắt lịm đi, để cho màn đêm trùm kín cái nóc nhà bọn tôi đang ngồi.
Chợt tôi hiểu vì sao nó lại nhắc tới phở và bánh tráng nướng, hai thứ khỉ khô chẳng liên quan tới nhau. Tôi cũng bắt đầu ngộ ra cái lí do cho sự biến mất bất chợt của nó vài ngày một lần.
Hoá ra, trong giây phút tôi tưởng tượng đến cái đèn pin của ông hoạ sĩ, nó cũng nhớ tới nàng hoạ sĩ chết dẫm của nó. Tôi thấy đồng cảm với nó, thương cái nỗi lòng nặng trĩu mà nó đang mang vác. Mọi lẽ dường như vỡ ra trong một khoảnh khắc. Yêu là như thế này sao, là vì một người dưng mà thuộc hết tận cùng ngõ ngách của một cái quận khỉ gió nào đấy? Là từ người thích ăn bún bò, trong phút chốc lại đòi ăn phở thay cơm một tuần? Là người thích ăn hột gà nướng nhưng đi mua thì lại đem về một tá bánh tráng nướng? Có lẽ còn hơn thế. Tôi không biết nữa, thực tình thì tôi đã yêu đâu mà biết. Người yêu cũ của tôi nói rằng tôi chưa từng yêu cổ.
– “Mai ăn phở nha anh, mai là ngày lễ, ăn phở là hợp lý đấy.”
– “Ừ.” Tôi đáp, chẳng thèm nhắc nó bây giờ đã gần rạng sáng, cũng chẳng thèm đôi co cái lí do lãng xẹt cho việc rủ tôi ăn phở. Bất giác tôi nhìn về phía Đông, đã sắp tới lúc tôi phải tạm chia tay nó rồi.
– “Nếu nhớ cổ, đi gặp cổ đi”, tôi thì thầm. Thằng Niết không trả lời, nhưng tôi biết nó đang dỏng tai nghe tôi khuyên tiếp. Tôi đâu biết rằng sâu trong thâm tâm, nó đang đấu tranh với những tiếng gào thét không dứt đòi thoả mãn cái sự nhớ thương nàng hoạ sĩ. Rồi nó ngồi im thin thít, chẳng nói lời nào nữa. Từ hướng xa mọc lên những tia nắng đầu tiên của ngày mới, xuyên qua từng kẽ lá, hàng cây. Nắng hắt lên những gợn mây màu hồng nhạt nhẹ nhàng, đồng thời rọi sáng cái khuôn mặt sầu bi mà thằng Niết đang đeo, trông nó như một ông thầy tu khắc khổ. Rồi lại bất thình lình như mọi khi, nó mỉm cười với tôi. Một nụ cười rõ là gượng, nhưng đằng sau nó tôi cảm thấy sự từ bỏ, sự thanh thản của thằng Niết, có lẽ nó nhận ra điều gì đó triết lý lắm. Một con chim nhốt trong lồng thì là một con chim chết, và con người hẳn cũng vậy.